Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021); Sự ra đời và ý nghĩa của Danh xưng Quảng Nam
Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 24 Tháng 12 2021 15:47 Viết bởi Ban Biên Tập Thứ sáu, 24 Tháng 12 2021 15:42
Ngày 28.12 tới đây, Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021) và hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển" sẽ được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đất Quảng. Trải qua 550 năm, Danh xưng Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Từ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đến Xứ Quảng Nam, Trấn Quảng Nam, Dinh Quảng Nam thời xa xưa, rồi Đặc khu Quảng Đà trong thời chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước và trở lại Danh xưng Quảng Nam khi tỉnh được tái lập năm 1997.
Tháng 6 năm Tân Mão 1471, năm Hồng Đức thứ hai, vua Lê Thánh Tông thành lập (khai sáng) đạo Thừa tuyên Quảng Nam, trở thành thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt. Đạo Thừa tuyên Quảng Nam lúc này là vùng đất rộng lớn, từ Nam sông Thu Bồn đến Bắc đèo Cù Mông, tỉnh Bình Định ngày nay, gồm 3 phủ, 9 huyện: (1) Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang (tương ứng với phần đất từ bờ nam sông Thu Bồn đến dốc Sỏi, địa giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay); (2) Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa (tương ứng với phần đất của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay); (3) Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn (tương ứng với phần đất của tỉnh Bình Định ngày nay).
Với Danh xưng Quảng Nam, Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh, được xếp vào hàng bậc nhất trong các triều đại vua chúa Việt Nam, đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này. Lê Thánh Tông đã có một sự lựa chọn, một định hướng mang tính chiến lược về tầm nhìn xa, xu thế phát triển, mang ý nghĩa quyết định vận mệnh của quốc gia Đại Việt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà vị vua hiền nổi tiếng uyên thâm đã chọn hai chữ đầy ý nghĩa để đặt tên cho vùng đất mới: "Quảng" là mở rộng, "Nam" là về phương Nam.
Cư dân Quảng Nam là sự cộng cư trong suốt quá trình mở nước. Người Việt (Kinh) có mặt ở Quảng Nam trước năm 1471, cùng với người Chăm pa, người Hoa. Ngày nay, ở Quảng Nam, ngoài người Việt thuần gốc, người Hoa, còn có người Việt (Kinh) có nguồn gốc tổ tiên lâu đời là người Trung Quốc (người Minh Hương).
Theo dòng lịch sử, Quảng Nam từng là đất đóng đô của một vương quốc cổ có thời gian tồn tại 15 thế kỷ. Dưới triều Lê Thánh Tông (năm 1471), Quảng Nam trở thành một bộ phận của Đại Việt và trong thời điểm Trịnh-Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (từ năm 1570). Hội An được chọn là điểm giao thương duy nhất với thế giới khi đó nên nhiều thương gia nước ngoài hay gọi Quảng Nam Quốc. Bằng lao động sáng tạo, Quảng Nam đã góp phần vào tiến trình mở nước của dân tộc và tạo lập cuộc sống phồn vinh của một vùng - xứ Quảng. Biên niên sử thời Nguyễn đã chép về giai đoạn này như sau: "Chúa ở trấn hơn 10 năm, (chúa Tiên Nguyễn Hoàng) chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn".
Đến giữa thế kỷ XVII, chính quyền đàng Trong nhanh chóng suy yếu, nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất diễn ra gay gắt, thuế khóa ngày càng tăng... Quan lại lợi dụng hành hạ, ẩu lậu, cố tình tăng giảm, sinh sự làm khổ dân. Trước hoàn cảnh đó, khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, nhân dân Quảng Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ. Mùa thu năm 1773, khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, nhân dân Quảng Nam đã phối hợp cùng nghĩa quân phục kích ở Bến Đá (Thạch Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) đánh bại quân của chúa Nguyễn do các tướng Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Hữu Sách... chỉ huy. Chiến thắng của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước có phần đóng góp rất lớn của nhân dân Quảng Nam.
Năm 1806 vua Gia Long thống nhất đất nước. Về hành chính, vua chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh thuộc đất kinh kỳ gồm Trực Lệ-Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam doanh.
Năm 1831, vua Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này. Tỉnh Quảng Nam được chia thành 8 phủ, huyện gồm Hòa Vang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, và Tiên Phước.
Năm 1888, dưới thời vua Thành Thái Đà Nẵng thị tách khỏi Quảng Nam để trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Gonèvo, dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa tỉnh Quảng Nam (1956) bị chia thành hai tỉnh mới là Quảng Nam ở phía Bắc gồm các quận Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Nhơn, Quế Sơn, Hiếu Đức, và Thường Tín và Quảng Tín ở phía Nam gồm Thăng Bình, Tiên Phước, Hậu Đức, Lý Tín, Hiệp Đức và Tam Kỳ.
Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Thành phố Đà Nẵng thành lập tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với Đà Nẵng là tỉnh lị. Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gồm Thành phố Đà Nẵng và các huyện Hoà Vang, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Tiên Giang, Phước Sơn, Trà My.
Năm 1997, tại kỳ họp thứ X của Quốc Hội, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị thành chính độc lập gồm Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam mới có 14 huyện gồm Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), Đại Lộc, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn (nay là Quế Sơn và Nông Sơn), Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My, Núi Thành và 2 thị xã: thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố tỉnh lị Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An).
Hiện nay, Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố (2 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện đồng bằng, 9 huyện miền núi); 241 xã, phường, thị trấn; 1.240 thôn, tổ dân phố. Tổng dân số tỉnh Quảng Nam tính đến ngày 31/12/2020 là 1.509.251 người; mật độ dân số 142 người/km2. Dân tộc thiểu số gần 142.000 người, chiếm 9,4% tổng dân số toàn tỉnh, gồm Cơ tu, Xơ Đăng, Gié Triêng, Cor...
BBT
- 08/05/2024 15:57 - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/…
- 09/09/2022 20:33 - Phú Ninh kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nhà yêu nước Ph…
- 16/02/2022 15:52 - Huyện Phú Ninh thành lập 11 Trạm Y tế lưu động
- 11/12/2021 11:03 - TÀI LIỆU TRUYỀN THÔNG PCCovid
- 22/11/2021 16:22 - Phú Ninh phát hiện 2 F0 là học sinh tại 2 trường h…
- 19/10/2021 07:20 - Hơn 50 kỳ thủ tham gia giải cờ tướng huyện Phú Nin…
- 16/10/2021 10:18 - Xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh về chính trị, tư …
- 23/09/2021 19:15 - Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi huyện…